Phan Hiển Đạo
Quick Facts
Biography
Phan Hiển Đạo (潘顯道, 1822-1864)hay Tấn Sĩ Đạo là danh sĩ và là quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Ông sinh trưởng tại làng Vĩnh Kim Đông, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường; về sau đổi thành xã Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Cha ông là Phan Hiển Tân, làm án sát tại tỉnh Gia Định.
Năm Đinh Mùi (1847), Phan Hiển Đạo thi đỗ cử nhân. Năm Bính Thìn (1856), đời vua Tự Đức, ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ chức đốc học tỉnh Định Tường.
Ông nổi tiếng là người tài hoa phong nhã, giỏi âm nhạc, tuyệt diệu nhất là ngón đàn tranh.
Theo thông tin trên trang website tỉnh Tiền Giang, thì:
- Năm 1861, quân Pháp đánh chiếm Định Tường, Phan Hiển Đạo lui về ở ẩn tại quê nhà để tỏ lòng bất hợp tác với quân xâm lược. Mấy lần thực dân Pháp sai Tôn Thọ Tường tới dùng danh lợi để mua chuộc, ông kiên quyết từ chối, nhưng vẫn bị người đời hiểu nhầm.
- Năm 1942, để tỏ lòng tiết liệt với đất nước và nhân dân, ông uống thuốc độc quyên sinh lúc mới 42 tuổi.
- Trên mộ ông ở Vĩnh Kim hiện vẫn còn dòng chữ:
- Niên Pháp lang khấu Quốc thống vong công bất khuất
- Tử tán ư Vĩnh Kim Đông chi Hương .
Thông tin thêm
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thì:
- Phan Hiển Đạo đỗ tiến sĩ, nhưng sau vì phạm lỗi bị đục bỏ tên trong bia tiến sĩ. Lúc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), ông nhận ngồi dạy học ở Mỹ Tho. Một hôm ông đến thành Vĩnh Long xin gặp Phan Thanh Giản để bàn về việc nước, việc dân. Nhưng khi đưa thư vào trình, ông Phan phê vào thư tám chữ:
- Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh, nghĩa là: Người con gái đã bị thất thân, sao còn gọi là trinh được.
Ngờ là quan Phan có ý chê trách khí tiết của mình, ông buồn bực trở về nhà uống thuốc độc mất.
Và trong sách Định Tường xưa cũng có đoạn liên quan đến cuộc đời ông. Lược kể:
- Phan Hiển Đạo ra Huế dự thi Hội, cha ông có gửi thư cho Phan Thanh Giản xin cho ông được ở nhờ. Thi sắp xong, thì có thư báo rằng mẹ ông đã mất. Sợ ông lỡ bước công danh, ông Phan không cho biết. Đến khi thi đỗ và hay được tin dữ, Phan Hiển Đạo liền làm bài biểu kèm theo lá thư báo tử để xin phép vua về cư tang cho mẹ. Nhận thấy thư báo đề trước ngày thi, vua Tự Đức tức giận mà phê trong chỉ rằng:
- Hà hữu Phan Hiển Đạo vi tử như thế, vi thần nhược hà. Nghĩa là: Tại sao có Phan Hiển Đạo, làm con như thế, làm tôi thế nào?
- Bị hàm oan, Phan Hiển Đạo chỉ còn biết than khóc.
- Hiện nay ở thành phố Mỹ Tho có một con đường mang tên ông.
Chú thích
- ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 782). Trích thêm thông tin trong một bài viết: Phan Hiển Đạo, từng ra Huế học, có năng khiếu về cổ nhạc, chính ông đã phổ biến nhạc Huế, có căn cơ vào Nam Bộ, từ đó phong trào nhạc tài tử phát triển đến các tỉnh lân cận... [1].
- ^ Xem tại đây: [2]. Sách Định Tường xưa của Huỳnh Minh kể tương tự (trang 106-107).
- ^ Tác giả sách không cho biết ông phạm lỗi gì. Tra trong các sách sử triều Nguyễn do Cao Xuân Dục chủ biên không thấy có thông tin.
- ^ Theo quan điểm của các sĩ phu chống Pháp lúc bấy giờ, thì Phan Hiển Đạo phải đi "tị địa", chứ không được nhận lời ra làm quan hay ngồi dạy học ở phần đất đã bị đối phương chiếm đóng. Làm như vậy giống như là "người con gái đã chúng lấy" (chữ trong ngoặc của Huỳnh Minh), không đủ tư cách để bàn việc nước.
- ^ Lược theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, trang 782). Dân gian kể tương tự. Xem ở đây: [3].
- ^ Huỳnh Minh, Định Tường xưa, Nhà xuất bản Thanh Niên in lại năm 2001, trang 106-107.