Lê Thanh Thúy
Quick Facts
Biography
Lê Thanh Thúy (1988-2007), được biết đến với vai trò là công dân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, nhà hoạt động xã hội vì bệnh nhân ung thư và là một người dũng cảm vượt lên số phận, vượt qua nghịch cảnh, blogger và người sáng lập chương trình "Ước mơ của Thúy".
Tiểu sử
Lê Thanh Thúy sinh ngày 6 tháng 1 năm 1988, ba của Thúy từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận 479 (Campuchia),được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, cha mẹ Thúy hiện làm nghề bán quán cà- phê tại Quận 1. Thuở nhỏ, tuy thu nhập gia đình eo hẹp nhưng ba mẹ Thúy vẫn cố gắng cho Thúy một cuộc sống đầy đủ.
Năm học 2003-2004, Thanh Thúy nhận được giấy báo trúng tuyển cấp 3 (Thúy là học sinh lớp 10A3 Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là ngày em nhận tin và bắt đầu đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Thúy phải nhập viện lúc mới 15 tuổi để cắt khối u ở khớp gối chân phải. Vết thương không lành nên phải cắt bỏ hai phần ba chân phải để tránh di chứng.
Năm học 2004-2005, Thúy gắn chân giả và tiếp tục đến trường. Học xong học kỳ I lớp 11 bệnh lại di căn và Thúy phải bỏ việc học để phẫu thuật tháo bỏ khớp háng.
Năm học 2005-2006, Lê Thanh Thúy được bình chọn là một trong những "Công dân trẻ của thành phố Hồ Chí Minh" bởi sự kiên trì học tập và dũng cảm vượt qua căn bệnh quái ác bằng sự lạc quan của mình.
Năm học 2006-2007, hằng ngày Thúy vẫn chống nạng đến trường học lại lớp 11. Thúy được sự ngưỡng mộ của mọi người với nghị lực phi thường và một kết quả học tập tốt ngay trong hoàn cảnh bệnh tật. Nhưng năm học mới bắt đầu hai tháng thì Thúy phải nhập viện lần nữa do di căn ung thư và phải cắt bỏ luôn xương chậu phải và nằm liệt giường.
Trong suốt giai đoạn điều trị tại bệnh viện, Thúy đã thức hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog "ước mơ của Thúy", tổ chức các chương trình từ thiện tổ chức các sự kiện trung thu, dã ngoại và phát quà sinh nhật cho các bệnh nhi ung thư trên thành phố, với hai điểm chính là: Bệnh viện ung Bướu Thành phố và Bệnh viện chấn thương chỉnh hình khoa ung thư. Chương trình được sự quan tâm ủng hộ của tập thể báo Tuổi trẻ và nhiều nhân vật nổi tiếng cũng như sự ủng hộ tài chính từ phía công chúng.
Sau đó, chứng ung thư tiếp tục di căn lên cột sống và rẽ nhánh sang chân trái. Bệnh viện thất bại và gửi trả Thúy về gia đình. Trong thời gian này, Thúy có thể ra đi bất cứ lúc nào, Thúy nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía trường học và cộng đồng bằng nhiều hình thức động viên (xếp hạc giấy, xếp sao, vận động viết lời chúc trên giấy, blog,...). Sáng ngày 13-2-2007 (26 Tết), bà Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bất ngờ đến thăm Lê Thanh Thúy, sau cuộc điện thoại đích thân bà hẹn trước. Dù nằm liệt giường, Thúy tiếp tục hoạt động từ thiện và tham gia đêm hội trung thu cho bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Những lúc không đau đớn, Thúy đều tự xoay xở đi lại để bán hàng phụ mẹ cha và cô bé còn tự trang trải tiền học bằng cách làm và bán những chiếc vòng tay, những dây đeo cổ kết bằng cườm, đá xinh xắn do cô tự thiết kế.
04 giờ 20 phút sáng 2-11-2007, Thúy từ trần. Bên Thúy trong những giây phút cuối cùng, ngoài người thân còn có những y bác sĩ, phóng viên, tình nguyện viên, cư dân mạng,... Lê Thanh Thúy được nhập quan tại nhà lúc 09 giờ 45 ngày 2-11-2007 và sau đó vào lúc 06 giờ 00 sáng 4-11-2007, Thanh Thúy được đưa đi an táng tại nghĩa trang Thành phố tại huyện Củ Chi.
Chương trình "Ước mơ của Thúy" và ngày hội Hoa hướng dương
Lê Thanh Thúy là biểu tượng cho tinh thần vượt lên số phận để sống trọn vẹn từng ngày, Thúy được công nhận là Công dân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Cô tạo ấn tượng với mọi người bằng hành trình 4 năm đấu tranh với căn bệnh ung thư vô cùng quyết liệt, bằng nụ cười luôn nở trên môi tới tận lúc từ trần. Cô được ví như "Hoa hướng dương không cần mặt trời".
Một tuyển tập sách mang tên "Xin hãy cho con thêm thời gian" được Nhà xuất bản Trẻ, Tủ sách Tuổi Trẻ xuất bản lần đầu tiên vào cuối tháng 9 năm 2007, với phần nhật ký của Thanh Thúy và ghi chép của nhiều người.
Từ ngày 29 tháng 11 năm 2010, tấm gương công dân trẻ thành phố Lê Thanh Thúy được đưa vào hoạt động chào cờ như một chuyên đề ở các trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, chương trình "Ứơc mơ của Thúy" được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và báo Tuổi trẻ tiếp tục duy trì đều đặn. Blog của Thanh Thúy trở thành trung tâm hoạt động của chương trình trên mạng internet. Một nhóm tình nguyện có tên Chắp cánh Ước Mơ cũng đã được thành lập tại Hà Nội.
Từ khi Thúy an nghỉ, hàng năm vẫn có một ngày hội Hoa hướng dương vì trẻ em ung thư được tổ chức. Tháng 11 năm 2011, ngày hội Hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư" lần 4 đã được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố HCM và Nhà văn hóa Sinh viên - Học sinh Hà Nội.
Trích dẫn
“ | Hồi xưa, em là người luôn đặt ra kế hoạch đường dài, nhưng bây giờ phải tính từng đoạn ngắn. Chưa biết sẽ mất bao lâu để học xong lớp 12, nhưng em quyết tâm phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT và còn thi ĐH nữa. Em sẽ thi vào ngành tâm lý của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trước mặt em đang là một bức tường và em phải phá vỡ nó để vượt qua
| ” |
“ | Từ đáy vực sâu chứa đầy nước mắt đau khổ tôi đứng dậy thề rằng dù còn được sống bao lâu nữa, dù gặp phải bao gian khó tôi cũng quyết không bị đánh gục, không chấp nhận đầu hàng. Tôi phải là một mặt trời nhỏ để cuộc đời mình được tỏa ánh sáng ấm áp...
| ” |
“ | 19g30 ngày 1 tháng 11 năm 2007, em chìm vào hôn mê sâu. Em đã sống xứng đáng những giây phút quý báu của mình. Hãy dành một phút lặng lại cho Thúy mọi người nhé... Em đang đẹp lắm, đáng yêu lắm mọi người ạ. 20g30 ngày 1 tháng 11 năm 2007: Thúy đã về nhà, giữa một rừng hoa hướng dương của riêng em nghiêng mình đón tia nắng ấm áp. Em mặc áo đầm dạ hội xinh xắn như công chúa. Trang điểm thật xinh. Em nói em thương ba mẹ, bé Toàn thật nhiều, thương tất cả mọi người. Em dặn sinh nhật 20 tuổi nhớ làm cho em. Em nhắn chương trình Ước mơ của Thúy sẽ thành công, mọi người hãy cố gắng giúp Thúy duy trì.
| ” |
“ | Khó có ai có thể đứng vững nếu biết trước một ngày không xa mình sẽ không còn tồn tại nữa; khó có ai lạc quan sống khi phải đồng hành cùng căn bệnh ung thư và khó có ai dám nghĩ rằng mình sẽ làm được những việc ý nghĩa trong những tháng ngày còn lại. Nhưng, đối với Lê Thanh Thúy, dẫu biết rằng một ngày không mong đợi sẽ đến, mỗi ngày Thúy vẫn ráng sống thật vui với nụ cười trên môi, vẫn nặng tình với những sẻ chia cùng những người đồng cảnh ngộ và vẫn lạc quan cùng điều ước có một phép màu làm tan biến đi những tế bào ung thư… Nếu một lần được gặp Thúy, bạn sẽ thấy cuộc đời này có muôn màu tươi đẹp, cuộc sống này có ý nghĩa biết bao và nếu một lần được gặp Thúy, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh lan truyền từ Thúy. Đó là niềm tin và hi vọng, đó là sức sống mãnh liệt và là niềm tin tỏa sáng về phía mặt trời.…
| ” |
Chú thích
- ^ “Đóa hướng dương Lê Thanh Thúy đã ra đi”. Tuổi Trẻ, 02/11/2007. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2009.
- ^ "Ước mơ của Thúy" được đưa vào sinh hoạt dưới cờ
- ^ Ngày hội Hoa hướng dương "Vì bệnh nhi ung thư" lần 4-2011
- ^ Những đóa hoa nở rực tình người
- ^ “Có một đóa hướng dương...”. Tuổi Trẻ, 1/1172006.
Liên kết ngoài
- Blog "Ước mơ của Thúy"
- LÊ THANH THÚY (1988-2007) Công dân trẻ TP 2006 - "Hoa hướng dương không cần mặt trời" tại Nghĩa trang Online.
- Nghe trực tuyến sách nói Xin hãy cho con thêm thời gian
- Chuyên đề "Đóa hướng dương Lê Thanh Thúy" trên báo Tuổi Trẻ
- Chuyên trang "Ước mơ của Thúy" trên trang Công dân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh