peoplepill id: vi-due
VD
1 views today
1 views this week
The basics

Quick Facts

The details (from wikipedia)

Biography

Vi Duệ (chữ Hán: 韦睿; 442 – 520), tự là Hoài Văn, là danh tướng nhà Lương, đã từng làm quan cho nhà Lưu Tống, nhà Nam Tề thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người Đỗ Lăng, Kinh Triệu , đời ông cố dời nhà đến Tương Dương. Thời bấy giờ, nam yếu bắc mạnh, Vi Duệ là một trong số ít tướng lĩnh Nam triều được người phương bắc thật sự kính trọng.

Thân thế

Vi Duệ là hậu nhân của thừa tướng Vi Hiền đời Hán, họ Vi đời đời là một họ có tiếng ở Tam Phụ (lân cận Trường An). Ông nội Vi Duệ là Vi Huyền, không muốn làm quan, ẩn cư ở Nam Sơn, Trường An. Tống Vũ Đế nhập quan, vời Vi Huyền ra làm quan, nhưng ông không đến. Bác là Tổ Chinh, cuối thời Lưu Tống làm Quang lộc huân. Cha ông là Tổ Quy, làm Ninh Viễn trưởng sử.

Vi Duệ vì phụng dưỡng mẹ kế hiếu thuận mà nổi tiếng. Các anh trai của ông là Toản, Xiển đều sớm nổi danh. Duệ, Toản đều hiếu học, Xiển là người trong sạch.

Vi Tổ Chinh nhận chức quận thú, mỗi khi đi làm việc đều đưa Vi Duệ theo, coi ông như con. Khi ấy anh vợ của Vi Duệ là Vương Chanh, em con dì là Đỗ Uẩn rất nổi tiếng trong làng. Vi Tổ Chinh hỏi ông rằng so với Chanh, Uẩn, cháu thấy mình như thế nào. Vi Duệ khiêm tốn không dám trả lời. Vi Tổ Chinh nói:

Người anh họ bên ngoại của Vi Duệ là Đỗ Ấu Văn làm Lương Châu thứ sử, muốn ông đi cùng. Đất đai Lương Châu phì nhiêu màu mỡ, những kẻ đến làm quan phần lớn đều nhận của hối lộ; Vi Duệ tuy nhỏ tuổi nhưng mà nổi tiếng thanh liêm.

Làm quan nhà Lưu Tống, nhà Nam Tề

Đầu năm Vĩnh Quang nhà Lưu Tống (năm 465), Viên Biến làm Ung Châu thứ sử, thấy ông khác người, tiến dẫn làm chủ bạc. Viên Biến đến Ung Châu, cùng Đặng Uyển khởi binh. Vi Duệ xin ra làm việc ở quận Nghĩa Thành, nên tránh được họa ấy. Sau đó ông làm Tả thường thị của Tấn Bình Vương, rồi dời sang làm Hành tham quân của Quế Dương Vương, theo tư không nhà Nam Tề là Liễu Thế Long phòng thủ Dĩnh Thành, chống lại thứ sử Kinh Châu là Thẩm Du Chi.

Bình xong Thẩm Du Chi, Vi Duệ được dời sang làm Tiền quân trung binh tham quân. Sau đó, ông làm Quảng Đức lệnh. Ông lại dời sang làm các chức vụ Tề Hưng thái thú, Bổn Châu biệt giá, Trường Thủy hiệu úy, Hữu quân tướng quân. Cuối thời Nam Tề xảy ra nhiều việc, ông không muốn xa quê nhà, nên xin về làm Thượng Dung thái thú, được gia phong Kiến uy tướng quân.

Khi ấy, thái úy Trần Hiển Đạt, Hộ quân tướng quân Thôi Huệ Cảnh lần lượt bức bách kinh sư, lòng dân hoang mang, không có nơi nào yên ổn, người ở Tây Thổ đến hỏi kế của Vi Duệ. Ông nói:

Ông bèn sai hai con trai, rồi tự mình cũng kết giao với Tiêu Diễn (sau này là Lương Vũ Đế).

Khởi binh hưởng ứng Tiêu Diễn

Cuối thời Nam Tề, Tiêu Diễn khởi binh hòng lật đổ Đông Hôn Hầu Tiêu Bảo Quyển. Hịch nghĩa binh đến, Vi Duệ dẫn người trong quận chặt trúc làm bè, theo nhiều đường đến hội quân, có 2000 người, 700 con ngựa. Tiêu Diễn gặp ông rất vui, tin chắc có sự giúp đỡ của ông sẽ thành công.

Quân Tiêu Diễn chiếm được Dĩnh, Lỗ, Bình Gia Hồ, Vi Duệ nhiều lần bày mưu, đều được thu nạp. Đại quân rời khỏi Dĩnh, Tiêu Diễn chọn Vi Duệ phong cho ông làm Quán quân tướng quân, thái thú Giang Hạ, lo việc trong phủ của Dĩnh Thành.

Ban đầu, Dĩnh Thành có hơn 10 vạn nhân khẩu nam nữ, trải qua cả trăm ngày bị vây đánh, người chết vì bệnh tật đến 7, 8 phần 10, đều chèn xác chết ở dưới giường, người sống ngủ ở bên trên, nhà nào cũng như vậy. Vi Duệ lo liệu cứu giúp khắp cả trong ngoài, người chết thì được mai táng, người sống trở lại cuộc sống trước đây, trăm họ lại yên ổn.

Năm 502, Tiêu Diễn lật đổ nhà Tề dựng nhà Lương. Lương Vũ Đế dời Vi Duệ sang làm Đình úy, phong tước Đô Lương Tử, thực ấp 300 hộ. Năm Thiên Giám thứ hai (năm 503), ông được cải phong ở Vĩnh Xương, thực ấp như trên. Đông cung được lập, ông dời sang làm Thái tử hữu vệ soái, ra làm Phụ quốc tướng quân, Dự Châu thứ sử, lĩnh chức Lịch Dương thái thú. Năm 504, quân Bắc Ngụy đến cướp, Vi Duệ đưa quân trong châu đi đánh, thắng được.

Đánh Bắc Ngụy

Năm 505, Lương Vũ Đế quyết định bắc phạt, ban chiếu phong Vi Duệ là Đô đốc các cánh quân. Ông sai Trưởng sử Vương Siêu Tông, Lượng Quận thái thú Phùng Đạo Căn đánh thành Tiểu Hiện của Bắc Ngụy, chưa phá được. Khi Vi Duệ tuần hành doanh trại, có hơn 100 quân Ngụy bất ngờ xông ra, ông muốn đánh ngay, các tướng đều cho rằng quân Lương vừa mới đến, đều chưa có chuẩn bị gì, hãy đợi sau khi trở về mặc lấy khôi giáp, rồi hãy tiến đánh.

Vi Duệ không tán thành, cho rằng:

Các tướng còn do dự nghi ngờ, Vi Duệ chỉ cờ tiết nói:

Rồi ông ra lệnh tiến binh. Tướng sĩ đều hết lòng tử chiến, quân Ngụy quả nhiên thua chạy. Quân Lương gấp rút tấn công, nửa đêm thì thành bị phá.

Sau đó Vi Duệ tiến đánh Hợp Phì. Ban đầu, Hữu quân tư mã Hồ Lược đã đến Hợp Phì, mãi vẫn chưa hạ được. Vi Duệ đi xem xét sông núi, rồi đắp đập đổi dòng Phì Thủy, tự mình ra ngoài chỉ huy. Chốc lát, đập đất hoàn thành, nước chảy thông suốt, thuyền hạm tiến vào. Ban đầu quân Ngụy cho đắp 2 tòa thành nhỏ ở đông, tây mà kẹp lấy Hợp Phì. Trước tiên, Vi Duệ đánh 2 tòa thành này. Tướng Ngụy là Dương Linh Dận đưa 5 vạn quân đến tăng viện, mọi người sợ không địch nổi, nói ông hãy dâng biểu xin thêm quân. Vi Duệ cười mà nói rằng:

Rồi ông tiến binh, đẩy lui được địch, mọi người tạm yên lòng.

Ban đầu, đập Phì Thủy dựng xong, Vi Duệ sai Quân chủ Vương Hoài Tĩnh đắp thành trên bờ để trông coi. Quân Ngụy phá được thành, hơn ngàn người đều chết trận. Quân Ngụy thừa thắng kéo đến dưới đê, khí thế rất mạnh mẽ, Quân giám Phan Linh Hữu khuyên Vi Duệ chạy về Sào Hồ, các tướng cũng xin đi bảo vệ Tam Xoa. Nhưng Vi Duệ nhất định đánh tới cùng, rồi lệnh cho cắm lọng, quạt và cờ chỉ huy của mình ở trên đê, thể hiện cái chí không gì thay đổi được. Vi Duệ ốm yếu, những khi ra trận đều không cưỡi ngựa, mà dùng xe gỗ tự mình điều khiển, đốc thúc khích lệ binh sĩ. Quân Ngụy đến đục đê, ông tự mình chỉ huy quân Lương chống cự. Quân Ngụy tạm lui, ông bèn cho đắp lũy để giữ đê.

Vi Duệ đưa những thuyền hạm cao bằng thành Hợp Phì đến, bốn mặt tiến đánh. Người Ngụy hết kế, nhìn nhau mà khóc. Ông sắp đặt mọi việc đã xong, nước trong đập cũng đầy, cứu binh Ngụy không còn tác dụng. Tướng giữ thành Đỗ Nguyên Luân lên thành đốc chiến, trúng nỏ mà chết, thành liền vỡ. Quân Lương bắt được hơn vạn người, bò ngựa hơn vạn, lụa đầy mười gian nhà, Vi Duệ đều đem thưởng hết cho quân sĩ.

Vi Duệ ban ngày thì tiếp khách, đến đêm thì tính toán sổ sách quân đội, canh ba thắp đèn đến rạng sáng. Vi Duệ thường vỗ về mọi người, chăm lo sĩ tốt, vì thế kẻ sĩ tranh nhau theo về với ông.

Hợp Phì bình xong, Lương Vũ Đế hạ chiếu cho các cánh quân đến đóng ở Đông Lăng. Đông Lăng cách Bích Thành của Ngụy 20 dặm, đôi bên sắp giao chiến, quân Lương lại có chiếu ban sư. Vì đã ở rất gần quân địch, sợ bị đuổi theo, Vi Duệ cho tất cả đồ quân nhu đi trước, tự mình đi xe nhỏ chặn hậu. Người Ngụy vì sợ uy danh của ông, chỉ nhìn mà không dám đuổi theo, nên Vi Duệ bảo vệ được toàn quân trở về. Ông dời từ Dự Châu đến ở Hợp Phì.

Trận Chung Li

Năm 506, Trung Sơn Vương Nguyên Anh nhà Bắc Ngụy đến cướp Bắc Từ Châu, vây thứ sử Xương Nghĩa Chi ở Chung Li, xưng rằng có trăm vạn quân, đóng quân liên tiếp hơn 40 thành. Lương Vũ Đế sai Chinh Bắc tướng quân Tào Cảnh Tông làm đô đốc các cánh quân cả thảy 20 vạn người đến chống cự. Lương Vũ Đế ban chiếu ra lệnh cho Vi Duệ đưa quân của Dự Châu đến hội chiến. Vi Duệ từ đường hẹp ở Hợp Phì đi qua Âm Lăng đại trạch, gặp những nơi có hang núi, khe suối, bắc cầu để vượt qua. Có người sợ thế quân Ngụy đang mạnh, khuyên Vi Duệ đi chậm, nhưng ông không tỏ ý lo sợ, vẫn hành quân khẩn trương. Chỉ trong một tuần ông đã đến Thiệu Dương Châu, được sự coi trọng của Tào Cảnh Tông. Lương Vũ Đế nghe tin hai tướng hòa thuận, tin chắc quân Lương sẽ thắng.

Vi Duệ ở trước trại của Tào Cảnh Tông 20 dặm, trong đêm đào hào, rắc chông, chặn cù lao xây thành, đến khi trời sáng đã lập xong doanh trại. Nguyên Anh kinh hãi, thán phục ông. Buổi sớm, Nguyên Anh tự đưa quân đến đánh. Vi Duệ đi xe bằng gỗ trơn, không chạm vẽ gì, tay cầm trúc Bạch giác như ý chỉ huy quân sĩ, một ngày đánh nhau mấy lần, Nguyên Anh rất kiêng dè sự mãnh mẽ của ông. Quân Ngụy nhân đêm tối lại đến đánh thành, tên bắn như mưa, con của Duệ là Ảm mời ông xuống thành tránh tên, ông không nghe. Trong quân kinh động, Vi Duệ ở trên thành lớn tiếng kêu gọi, mọi người mới trấn định trở lại. Quân Ngụy từ trước ở 2 đầu Thiệu Dương Châu bắc 2 cây cầu, làm nên một thông đạo vượt sông Hoài, trên cầu cho dựng hàng rào đến mấy trăm bước để giữ. Vi Duệ sắm sửa đại hạm, sai thái thú Lương Quận là Phùng Đạo Căn, thái thú Lư Giang là Bùi Thúy, thái thú Tần Quận là Lý Văn Chiêu chỉ huy thủy quân. Gặp lúc sông Hoài nổi sóng lớn, Vi Duệ lập tức xuất quân, những chiến hạm cao lớn tranh nhau tiến lên, xô vào lũy của quân địch. Ông còn dùng thuyền nhỏ chở cỏ, trên có rưới dầu, xuôi dòng đến đốt cầu. Gió lớn lửa dữ, khói bụi mịt mù, quân cảm tử nhà Lương xông lên nhổ rào chặt cầu, gặp lúc nước lớn, chỉ trong chớp mắt, cầu và rào đã bị cuốn sạch. Các tướng cùng Phùng Đạo Căn đều tự mình xông lên, người người hăng hái, tiếng hô vang cả đất trời, không thể chống nổi, quân Ngụy tan vỡ. Nguyên Anh thấy cầu đã không còn, liền bỏ chạy thoát thân. Quân Ngụy hoặc nhảy xuống nước mà chết đuối, hoặc bị chém chết đến hơn 10 vạn. Còn lại thì dập đầu, xin làm tù nô, có hơn 10 vạn. Quân Lương bắt được bò ngựa, nhiều không thể đếm xuể.

Vi Duệ sai người báo tin cho Xương Nghĩa Chi. Nghĩa Chi vừa thương vừa mừng, không đáp được tiếng nào. Lương Vũ Đế sai Trung thư lang Chu Xá đến úy lạo tướng sĩ trên sông Hoài. Vi Duệ chất những thứ bắt được trước quân môn.

Vi Duệ nhờ công được tăng thực ấp lên 7000 hộ, tiến tước làm hầu, đi làm Thông trực tán kỵ thường thị, Hữu vệ tướng quân.

Những năm cuối đời

Năm 508, Vi Duệ chuyển sang làm Tả vệ tướng quân, một thời gian ngắn làm An Tây trưởng sử, Nam Quận thái thú, bổng lộc vào khoảng 2000 thạch. Gặp lúc Ti Châu thứ sử Mã Tiên Bì bắc phạt trở về, bị quân Ngụy đuổi theo, 3 cửa quan (Vũ Dương, Bình Tĩnh, Hoàng Hiện ) được rồi lại mất, triều đình ban chiếu cho Vi Duệ đưa quân đến tăng viện. Ông đến An Lục, đắp thành cao thêm 2 trượng, đào hào lớn, dựng lầu cao, nhiều người chê ông là nhát.

Khi ấy Nguyên Anh đuổi theo Mã Tiên Bì, muốn rửa mối nhục ở Thiệu Dương, nghe tin Vi Duệ đến, bèn lui chạy. Năm sau, ông dời sang làm Tín Vũ tướng quân, thứ sử Giang Châu. Năm 510, ông đi làm Viên ngoại tán kỵ thường thị, Hữu vệ tướng quân, lại dời sang làm Tả vệ tướng quân, Thái tử chiêm sự, vẫn gia phong làm Thông trực tán kỵ thường thị. Năm 514, ông chuyển sang làm Trí Vũ tướng quân, Đan Dương doãn, được miễn làm việc. Một thời gian ngắn sau đó lại được thăng làm Trung hộ quân.

Năm 515, ông lại ra làm Bình bắc tướng quân, Ninh Man hiệu úy, Ung Châu thứ sử.

Ban đầu, Vi Duệ khởi binh ở trong làng, người bạn là Âm Tuấn Quang khóc mà ngăn cản ông. Vi Duệ áo gấm về làng, Tuấn Quang đến thăm, ông cười nói với ông ta rằng: "Nếu năm xưa nghe lời anh, bây giờ tôi chỉ là tên ăn xin ở bên đường mà thôi." Rồi tặng cho ông ta mười con trâu cày. Vi Duệ đối với bạn cũ không tiếc gì cả, sĩ đại phu trên 70 tuổi, phần nhiều đều được ban cho chức huyện lệnh, người trong làng rất nhớ ông.

Năm 516, Vi Duệ dâng biểu xin từ quan, Lương Vũ Đế ban chiếu thư không đáp ứng. Năm 518, ông ra làm Tán kỵ thường thị, Hộ quân tướng quân, không lâu sau lại được ban một đội nhạc Cổ Xuy, được phép đi thẳng vào trong điện.

Ở triều đình, Vi Duệ đối với mọi người ôn thuận cung cẩn, không có khúc mắc với ai, nên rất được Lương Vũ Đế kính trọng. Ông bản tính từ ái, chăm sóc cho con trai của người anh đã mất của mình còn hơn cả con con ruột. Làm quan được nhận bổng lộc hay được ban thưởng gì, ông đều đem chia hết cho thân thích bằng hữu, trong nhà không tích cóp tài sản. Sau khi nhậm chức Hộ quân, ở nhà nhàn hạ vô sự, Vi Duệ ngưỡng mộ cách làm người của Vạn Thạch, Lục Giả nên tự vẽ hình của họ treo lên tường, một mình thưởng thức.

Bấy giờ tuy tuổi tác đã cao, ông vẫn không ngừng đốc thúc các con đọc sách học tập. Con trai thứ ba của ông là Lăng, rất thông hiểu ngũ kinh sử tịch, người đương thời đều ca ngợi Vi Lăng là học rộng biết nhiều. Vi Duệ thường ngồi nghe Vi Lăng đọc sách, đối với những chỗ yếu nghĩa nghi nan trong sách, Vi Duệ giải thích rõ ràng, Vi Lăng thường thường không bằng ông. Bấy giờ Lương Vũ Đế một lòng lễ Phật, cả nước nhanh chóng bắt chước làm theo, hình thành nên một trào lưu. Vi Duệ tuy là đại thần, nhưng không thuận theo trào lưu của mọi người, vẫn giữ lấy niềm tin của mình.

Năm 520, ông được dời sang làm Thị trung, Xa kỵ tướng quân, vì bệnh nên chưa nhận chức. Tháng 8 năm ấy, Vi Duệ mất tại nhà lúc 79 tuổi. Ông dặn lại chỉ cần an táng đơn giản, dùng áo vải để liệm. Lương Vũ Đế nghe tin ông mất thì khóc rất to, ban cho 40 vạn tiền, 200 xúc vải, đông viên bí khí, một bộ triều phục, một bộ quần áo, tang sự đều do triều đình chi trả, sai Trung thư xá nhân đến giám hộ. Đồng thời Lương Vũ Đế còn ban tặng cho ông chức Thị trung, Xa kỵ tướng quân, Khai phủ Nghi đồng tam tư, thụy hiệu là Nghiêm.

Các con

Vi Duệ có bốn con trai: Phóng, Chính, Lăng, Ảm.

Vi Phóng, tự Nguyên Trực. Vi Phóng đã cùng với Tào Trọng Tông, Trần Khánh Chi đánh Qua Dương của nhà Bắc Ngụy. Trong Lương thư có biệt truyện về Vi Phóng và con trai là Vi Sán.

Vi Chính, tự Kính Trực, làm quan đến chức Hoàng môn thị lang.

Vi Lăng, tự Uy Trực, trước tác "Hán thư tục huấn", có 3 quyển.

Vi Ảm, tự Vụ Trực, dẹp loạn Hầu Cảnh có công được phong chức Khinh xa tướng quân, ban thêm Trì tiết. Khi mất được truy tặng Tán kỵ thường thị, Tả vệ tương quân.

Đánh giá

Vi Duệ có tấm lòng nhân hậu bao la. Khi làm quan, ông luôn lấy đức để dạy dân, nên có rất nhiều thành tích trong việc cai trị. Khi ra trận, Vi Duệ rất yêu thương binh sĩ. Doanh trại chưa lập thì ông chưa đi nghỉ, chưa đào được giếng thì ông chưa ăn cơm. Bình thường Vi Duệ chỉ mặc nho phục. Khi đánh trận, ông mặc áo ấm, ngồi xe gỗ trơn, cầm gậy trúc, chỉ huy quân sĩ. Ông là danh tướng nhà Lương không ai không biết.

Khi xưa thắng trận Chung Li, Xương Nghĩa Chi rất cảm kích Vi Duệ, mời ông và Tào Cảnh Tông đến gặp mặt, bày ra 20 vạn quan tiền để chơi đánh bạc. Tào Cảnh Tông đổ được Trĩ, Vi Duệ đổ được Lư, Vi Duệ vội vàng lật mặt của một con bài, nói "Chuyện lạ!", rồi nhấc lên mà che đi . Tào Cảnh Tông và các tướng tranh nhau báo tiệp, chỉ có Vi Duệ ở phía sau. Những khi thắng trận, ông đều làm như vậy, người thời ấy rất ca ngợi đức hạnh của ông.

Mao Trạch Đông đọc "Nam Sử" của Lý Duyên Thọ, nói: "Vi Duệ có thể đưa vài vạn quân chống lại trăm vạn quân địch, có phong độ của Lưu Tú, Chu Du." Mao Trạch Đông còn tán dương ông biết đánh trận, giỏi điều tra nghiên cứu; tán dương ông khoát đạt đại độ, biết đoàn kết cán bộ; tán dương ông có tác phong tốt, khiêm tốn giản dị, liêm khiết khắc kỷ,..v..v.. Mao Trạch Đông nhận xét rằng: "Cán bộ đảng ta nên học tập tác phong của Vi Duệ."

Xem thêm

  • Lương Vũ Đế
  • Thôi Huệ Cảnh
  • Thẩm Du Chi
  • Trận Chung Li

Tham khảo

  • Tư trị thông giám
  • Nam sử
  • Lương thư
  • Tướng soái cổ đại Trung Hoa - Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân - Nhà xuất bản Thanh niên, 2002

Chú thích

The contents of this page are sourced from Wikipedia article. The contents are available under the CC BY-SA 4.0 license.
Lists
Vi Duệ is in following lists
comments so far.
Comments
From our partners
Sponsored
Vi Duệ
arrow-left arrow-right instagram whatsapp myspace quora soundcloud spotify tumblr vk website youtube pandora tunein iheart itunes