Thích Đức Nhuận

The basics

Quick Facts

Birth1897
Death1993 (aged 96 years)
The details

Biography

Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993) là Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1981 đến năm 1993.

Hòa thượng Thích Đức Nhuận có pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp tự Đức Huy, tục danh (tên thật) là Phạm Đức Hạp. Ông sinh năm Đinh Dậu (1897), tại thôn Quần Phương,nay là xóm 10 xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cha là ông Phạm Công Toán hiệu Thành Phủ; mẹ là bà Lê Thị Vụ. Ông là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em.

Thụ giới

Sinh trưởng trong gia đình Nho học, ông đi học khi 7 tuổi. Cha ông làm nghề thuốc và thường lên chùa Đồng Đắc tại Kim Sơn, Ninh Bình (thuộc dòng thiền Tào Động) bàn luận với sư trụ trì ở đó. Ông thường đi cùng cha và có tâm hướng về Phật giáo từ rất sớm.

Năm Nhâm Tý 1912, khi 15 tuổi, ông xin xuất gia với sư Thích Thanh Nghĩa, trụ trì chùa Đồng Đắc.

Sau đó ông tiếp tục đến chùa Thanh Nộn, Kim Bảng, Hà Nam học đạo với sư Thích Thanh Ninh.

Năm 1917, khi 20 tuổi, ông được chính thức thụ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự), tỉnh Ninh Bình. Giới đàn này gồm sư Thích Thanh Khiết làm Hòa thượng Đàn Đầu, sư Thích Trung Định làm Yết Ma, sư Thích Thanh Phúc làm Giáo Thọ, sư Thích Khang Thượng, và sư Thích Thanh Nghĩa làm Tôn Chứng.

Học đạo

Sau khi thụ giới, ông tiếp tục theo học tại các tổ đình miền Bắc như: Tổ đình Đào Xuyên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) do Tổ Giám Thông Mệnh giảng dạy; Tổ đình chùa Bằng (huyện Thường Tín, Hà Tây); tổ đình chùa Sở (chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) do sư Phan Trung Thứ thuyết pháp.

Bên cạnh việc học Phật, ông còn nghiên cứu Nho học, Lão giáo.

Năm 42 tuổi, ông đã thọ giới Bồ Tát, do sư Thích Doãn Hài, viện chủ chùa Tế Xuyên (Nam Hà) chứng đàn.

Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Pháp Chủ Thích Đức Nhuận

Sự nghiệp

Năm 1940, ông trở về thừa kế, trụ trì chùa Đồng Đắc. Phật sự đầu tiên của ông là thành lập 2 trường Phật học ở chùa Đồng Đắc và chùa Kỳ Lân (Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Trong khoảng thời gian đó ông thường làm chủ hạ các Trường hạ như: Trường hạ chùa Phúc Nhạc, Trường hạ chùa Đại Hữu, Trường hạ chùa Sơn Thuỷ (Chùa Non Nước), Trường hạ chùa Lê Xá, Trường hạ chùa Bà Đá.

Năm 1950, Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cung thỉnh ông giữ chức Giám luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình.

Năm 1955, sau khi hoà bình lập lại, ông được mời lên Thủ đô Hà Nội để tham gia tổ chức lại Giáo hội. Trong thời gian này, ông về trụ trì chùa Phổ Giác (Đống Đa, Hà Nội) để tiện việc đi sang Trụ sở chùa Quán Sứ. Sau đó một thời gian ông làm trụ trì chùa Quán Sứ.

Năm 1956, ông làm phó Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô.

Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc) thành lập, ông được bầu làm Phó Hội trưởng, và đảm nhiệm ngôi vị này liên tục qua bốn kỳ đại hội, cho tới năm 1979.

Năm 1969, ông về trụ trì chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Hà Nội). Cũng trong năm này, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại đây và ông làm Hiệu trưởng. Đây là ngôi trường có tổ chức đầu tiên sau ngày miền Bắc giải phóng. Ông trụ trì ở Quảng Bá gần 20 năm trước khi về chùa Hòe Nhai.

Năm 1979, khi Hoà Thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam qua đời, ông là Quyền Hội trưởng cho đến năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập.

Năm 1980 ông đứng ra thành lập nghĩa trang tại chùa Huỳnh Cung, Thanh Trì, Hà Nội. Cũng trong năm này, ông nhận lãnh trụ trì chùa Hòe Nhai (chùa Hồng Phúc), chốn Tổ của thiền phái Tào Động và năm 1986 ông chính thức về đây trụ trì cho đến khi viên tịch.

Cũng năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, ông làm Chứng minh Ban Vận động. Ông đã vào lưu trú tại chùa Vĩnh Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) một năm để cùng với Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đi thăm hỏi, trao đổi, bàn bạc với lãnh đạo các giáo phái, hệ phái, hội đoàn Phật giáo tại các tỉnh phía Nam để thực hiện việc thống nhất Phật giáo.

Tháng 11/1981 Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán sứ, Hà Nội, để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong Hội nghị, ông được suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo việt Nam. Khi đó ông 84 tuổi.

Từ năm 1981 cho đến khi qua đời, Hòa thượng Thích Đức Nhuận giữ ngôi vị Pháp chủ.

Vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 11 tháng 11 năm Quý Dậu (23 tháng 12 năm 1993), Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận viên tịch tại chùa Hòe Nhai, thọ 96 tuổi đời, 77 tuổi đạo.

Sau lễ tang, Hòa thượng được an táng tại bảo tháp trong chùa Hoằng Ân, Quảng Bá, Hà Nội.

Các đệ tử

- Hoà thượng Thích Thanh Khánh (1921 - 2013) viện chủ chùa Hoè Nhai, trưởng pháp tử

- Hoà Thượng Thích Tâm Châu (1921 -2015)

- Hoà Thượng Thích Trung Quán (1918 - 2003)

- Hòa Thượng Thích Tuệ Đăng ( 1927 - 2007 )

- Hoà Thượng Thích Phúc Trí (1917 - 2013) trụ trì chùa mễ trì thượng huyện từ liêm tp hà nội

- Thượng Toạ Thích Thọ Lạc - trưởng ban trị sự tỉnh Ninh Bình,

- Ni trưởng Hải Triều Âm. (1920 - 2013)

- Ni Trưởng Thích Đàm Ánh (1924 -2015) trụ trì chùa Phụng Thánh - cống trắng , Hà Nội

- Ni Trưởng Thích Đàm Nhâm ( 1931) , trụ trì chùa Linh Đường , Linh Đàm , Hoàng Mai , Hà Nội

Các chùa đã trụ trì

Chú thích

Tham khảo

Tiền nhiệm:
Thích Mật Ứng (Miền Bắc)
Pháp chủ
19811993
Kế nhiệm:
Thích Tâm Tịch
Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
The contents of this page are sourced from Wikipedia article on 04 Jul 2019. The contents are available under the CC BY-SA 4.0 license.